Chiêm Hóa là một huyện có nhiều danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử đã thu hút nhiều du khách đến thăm quan. Để phát triển được tiềm năng du lịch sẵn có, và đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã có những giải pháp tích cực để phát triển lĩnh vực này.
Thác Bản Ba xã Trung Hà là một danh thắng thiên nhiên trong quần thể các điểm du lịch của huyện Chiêm Hóa. Thác bắt nguồn từ dãy núi đá vôi Khau Nhoi thuộc địa phận Hà Giang cao gần 1000m đổ về cánh đồng Bản Ba phì nhiêu màu mỡ. Dòng thác Bản Ba có chiều dài khoảng 3km, được tạo bởi 3 tầng thác chính: Tát Củm, Tát Cao và Tát Gió. Chuyển tiếp giữa các tầng thác là những tầng thác nhỏ có độ cao khoảng 5m đến 7m và có nhiều khe nước nhỏ, các vực nước trong xanh có tác dụng điều hoà và phân phối nước. Năm 2007, huyện Chiêm Hóa đã được đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia thắng cảnh Bản Ba và khai trương điểm Du lịch sinh thái thác Bản Ba. Công ty TNHH Sông Gâm là doanh nghiệp làm du lịch ở huyện Chiêm Hóa đã và đang đầu tư mạnh vào nơi đây. Cùng với việc đầu tư xây dựng những ngôi nhà sàn truyền thống, kiến tạo không gian khu vực chân thác, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao lưu và nghỉ ngơi của du khách, Công ty TNHH Sông Gâm cũng đã hoàn tất các hạng mục như đường vào chân thác, đường leo thác, điểm nghỉ chân tại các tầng thác, khu nhà bán hàng lưu niệm, nhà nghỉ, nhà hàng... đảm bảo cho du khách có được những ngày nghỉ thực sự thoải mái và hấp dẫn. Nhiều năm qua, Công ty cũng đã phối hợp với huyện Chiêm Hoá tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ nhằm quảng bá về mảnh đất, con người và tiềm năng du lịch của địa phương, thu hút du khách cũng như các nhà đầu tư đến từ các vùng miền trong cả nước. Bà Hoàng Thị Minh, một du khách đến từ huyện Na Hang cho biết: bà đã biết đến khu du lịch sinh thái Thác Bản Ba xã Trung Hà qua các phương tiện truyền thông và đây là đây là lần đầu tiên bà cùng những người thân được đặt chân lên thác. Ngoài được đắm mình trong không gian núi rừng hùng vĩ thì thiên nhiên, cảnh vật nơi đây đã giúp bà tạm quên đi những nỗi lo toan của cuộc sống thường ngày.
Huyện Chiêm Hóa có 18 dân tộc anh em cùng chung sống, nhân dân các dân tộc nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống như: các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ, văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo. Hệ thống các khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng dày đặc với 131 điểm di tích, danh thẳng phân bố tại 23 xã, thị trấn, trong đó 81 điểm di tích đã được xếp hạng. Hệ thống du lịch tâm linh như Đền Đầm Hồng (Ngọc Hội), Đền Bách Thần (Vĩnh Lộc), Đền Pù Chua (Minh Quang), Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Yên Nguyên); các lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới đã thu hút đông đảo du khách đến với Chiêm Hóa như lễ hội Lồng tông , Hội chọi trâu, lễ hội Kim Bình, lễ hội Bản Cuống xã Minh Quang, lễ hội Bản Ho xã Phú Bình. Bà Đỗ Hoa Quyên, Phó trưởng phòng VH - TT huyện Chiêm Hóa cho biết. Với những tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, nhiều năm qua các cấp chính quyền huyện Chiêm Hóa đã tìm ra nhiều giải pháp để đưa du lịch của huyện trở thành nghành kinh tế mũi nhọn. Đó là quy hoạch khu du lịch và tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nhiều loại hình dịch vụ du lịch thành khu du lịch sinh thái, khu du lịch lịch sử cách mạng; du lịch văn hóa tâm linh. Với các hoạt đông thu hút du lịch năm 2011 huyện Chiêm Hóa đã thu hút được 36.000 lượt người, doanh thu ước đạt trên 8 tỷ đồng, năm 2012 thu hút trên 40.000 lượt người, doanh thu ước đạt trên 10 tỷ đồng. Song song với đó huyện chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng các cụm cổ động, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, xuất bản sách, ảnh và xây dựng trang thông tin điện tử huyện Chiêm Hóa nhằm giới thiệu về hình ảnh, mảnh đất, con người Chiêm Hóa đến với đông đảo du khách.
Tiềm năng phát triển du lịch lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa
Hiện nay, UBND huyện Chiêm Hóa đã và đang tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển du lịch cho những năm tiếp theo như: thực hiện Đề án xây dựng làng Văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát Then, cọi; quy hoạch và xây dựng điểm du lịch sinh thái hồ Khuổi Chùm (xã Tân An); xây dựng bản đồ du lịch huyện Chiêm Hóa; khảo sát điểm du lịch sinh thái rừng nguyên sinh Tầng, Biến, hang Bó Ngoặng (xã Phúc Sơn); bổ sung tuyến du lịch thăm quan thủy điện ICT Chiêm Hóa...để nhằm thu hút du khách gần xa đến với mảnh đất, con người Chiêm Hóa.
Ngọc Hiển - Vi Cường
(chiemhoa.gov.vn)