Theo đó, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với điểm đầu trên Quốc lộ 1 đi Mỹ Thạnh (Bình Thuận), điểm cuối kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, trong đó chiều dài đoạn cao tốc là 99 km, đoạn tuyến nối từ cao tốc đến Quốc lộ 1 là 2,6 km.
Tuyến đường được quy hoạch quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Giai đoạn 1, Dự án sẽ xây dựng cao tốc 4 làn xe, bề rộng 25 – 27 m. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 18.139 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 11.012 tỷ đồng.
Nếu được thông qua, Dự án sẽ bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư từ quý II/2019; khởi công xây dựng vào quý I/2020 và hoàn thành sau 36 tháng xây dựng.
Được biết, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (tên gọi mới dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết – Dầu Giây) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1495/QD/BGTVT ngày 7/7/2011, đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Trong đó, chiều dài tuyến thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận là 47 km, qua địa bàn 2 huyện Hàm Tân (23 km) và Hàm Thuận Nam (24 km).
Báo cáo số 57/BC-UBND ngày 7/3/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua Bình Thuận cho biết, tỉnh đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm có văn bản thống nhất quy mô đầu tư, phạm vi giải phóng mặt bằng dự án theo chủ trương mới để tiến hành đo đạc lại làm cơ sở đền bù, chi trả cho các hộ dân. Đồng thời, bố trí kinh phí cho địa phương để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết từng được Bộ GTVT phối hợp nghiên cứu chuẩn bị và thí điểm thực hiện theo hình thức PPP, với nhà đầu tư thứ nhất là Tập đoàn Bitexco. Vào cuối tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng triển khai việc thí điểm và chấm dứt việc chỉ định Bitexco là nhà đầu tư thứ nhất nhưng vẫn tiếp tục giao Bitexco tiếp tục hoàn chỉnh, cập nhật Báo cáo nghiên cứu khả thi theo nhiệm vụ được Thủ tướng giao trước đây.
Theo Bộ GTVT, đoạn cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết cùng với đoạn Hà Nội-Vinh nằm trong dự án đường cao tốc Bắc-Nam là những đoạn quan trọng, có tốc độ phát triển kinh tế năng động bậc nhất cả nước nên cần đầu tư trước để kết nối giao thông, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội.