Tổng kinh phí để thực hiện gần 4.000 cây cầu từ nay đến 2020 lên tới hơn 8.300 tỷ đồng...
Trong số gần 4.000 cây cầu dự kiến sẽ được đầu tư từ nay đến 2020 sẽ có 295 cầu treo, còn lại là cầu cứng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 – 2020.
Với mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, Thủ tướng quyết định xây gần 4.000 cầu cứng và cầu treo, thời gian thực hiện dự kiến đến 2020.
Chương trình thực hiện trên phạm vi 5.237 xã thuộc 450 huyện của 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc miền núi, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang.
Trong đó ưu tiên đối với 63 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Giai đoạn 1 (2014 - 2015), dự án đã đầu tư xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây
Nguyên nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu cấp thiết về đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 570/TTg-KTN ngày 28/4/2014.
Giai đoạn 2 (2015 - 2020) toàn bộ cầu cứng và số cầu treo còn lại sẽ được phân kỳ để thực hiện trong 4 năm, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 với 3.664 cầu cứng và 295 cầu treo.
Tổng vốn đầu tư để thực hiện Chương trình gần 8.339 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 931,7 tỷ đồng (chiếm 11,2%) để thực hiện 186 cầu treo giai đoạn 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 570/TTg-KTN ngày 28/4/2014; 5.625 tỷ đồng vốn vay ODA, chiếm 67,5%; 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, chiếm 11,9%; 782,28 tỷ đồng vốn xã hội hóa, chiếm 9,4%.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng cầu, Thủ tướng cũng vừa đồng ý nội dung của dự thảo Hiệp định vay cho dự án xây dựng cầu Thịnh Long theo các điều kiện Bộ Tài chính báo cáo.
Dự án xây dựng cầu Thịnh Long, thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định kết nối trực tiếp Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490C, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại; kết nối các khu công nghiệp trong vùng; hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt mạng lưới đường bộ ven biển.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 54,9 triệu USD, trong đó vốn vay ODA 46 triệu USD, tương đương 970,31 tỷ đồng; vốn đối ứng 8,909 triệu USD tương đương 187,92 tỷ đồng (trong đó Bộ Giao thông Vận tải 5,24 triệu USD và UBND tỉnh Nam Định 3,699 triệu USD từ ngân sách địa phương).
BẢO ANH
(vneconomy)