Dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú đang “chạy đà” và dự kiến khởi công vào cuối năm 2017.
Một đoạn QL20 qua huyện Tân Phú, Đồng Nai.
Tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa giảm tải cho QL20 và là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng quan trọng: Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Theo quyết định được Bộ GTVT phê duyệt tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương có 3 dự án thành phần, bao gồm: đoạn Dầu Giây - Tân Phú; đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.
Theo dự án Thành phần là đoạn Dầu Giây-Tân Phú có điểm đầu tại Km0+000 giao với QL1 đoạn Km1829+500 trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây thuộc địa phận huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Điểm cuối tại Km59+594 giao cắt với QL20 (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú).
Giai đoạn 1 đoạn cao tốc Dầu Giây-Tân Phú có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế dạt 100-120km/h. Tổng chiều dài khoảng 59,6km được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Để kết nối với tuyến cao tốc nhiều tuyến nối, nút giao cũng sẽ được xây dựng. Cụ thể như: Nút giao QL1 (nút giao đầu tuyến), kết nối với đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, nút giao ĐT763, nút giao QL20. Hệ thống đường gom dân sinh được xây dựng dọc tuyến tại các vị trí cần thiết kết hợp với các đường ngang dân sinh đảm bảo kết nối dân sinh hai bên đường cao tốc.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 cao tốc Dầu Giây-Tân Phú sẽ rút ngắn thời gian lên Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo tính toán sơ bộ, tổng diện tích GPMB trên toàn tuyến cho giai đoạn 1 khoảng 464,03ha. Trong đó huyện Thống Nhất là 64,64ha, huyện Định Quán 165,67ha, huyện Xuân Lộc 16,25ha, huyện Tân Phú 217,46ha. Kinh phí GPMB được xác định trên cơ sở giá các loại đất do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 7.973 tỷ đồng. Theo kế hoạch, tuyến cao tốc Dầu Giây-Tân Phú được thực hiện trong thời gian từ năm 2016-2020 và dự kiến khởi công trong năm 2017.
Theo Ban QLDA 1 (đơn vị được Bộ giao làm chủ đầu tư tuyến cao tốc này) đến nay Ban 1, Tư vấn đang khẩn trương phối hợp làm việc với các cơ quan, địa phương thỏa thuận thống nhất phương án bồi thường GPMB. Xác định cụ thể phương án thiết kế nút giao đường nhánh, đường gom, đấu nối hệ thống thoát nước, hệ thống cung cấp điện, công trình hạ tầng kỹ thuật. Hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, khung tiêu chuẩn, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định làm cơ sở xem xét phê duyệt chi phí và phương án bồi thường GPMB theo quy định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Ban QLDA 1 phụ trách dự án cho biết vào giữa tháng 10, Ban 1 đã có buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai về các bước chuẩn bị triển khai dự án. Hiện Ban đang tích cực phối hợp với địa phương thực hiện các bước tiếp theo trong công tác GPMB. Dự kiến tuyến cao tốc này sẽ được khởi công trong quá III/2017 sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan.
VĨNH PHÚ
(baogiaothong.vn)